Bạn vẫn có thể được trao cơ hội du học dù thiếu điểm

0
1112

Dưới đây là câu chuyện trúng tuyển trường đại học Bucknell – một trường thuộc nhóm Liberal Arts Colleges của bạn Lê Đặng Quỳnh Anh. Quỳnh Anh xuất thân là dân văn của trường trung học phổ thông chuyên Amsterdam nhưng cô bạn lại đăng ký khối ngành kĩ thuật của Bucknell. Có thể đó là điểm trừ trong hồ sơ của bạn. Thêm vào đó, điểm TOEFL  và SAT I của Quỳnh Anh không cao, thậm chí còn thiếu 1 điểm TOEFL… nhưng kết quả bạn vẫn trúng tuyển với mức học bổng toàn phần của ĐH Bucknell. Tại sao vậy?

Câu chuyện của Quỳnh Anh cho thấy rằng: nếu bạn có quyết tâm du học, hồ sơ của bạn không quá đẹp, và bạn đã cố gắng hết sức mình nhưng bị thiếu điểm. Hãy cứ nộp hồ sơ! Bởi vì hội đồng thẩm định hồ sơ họ đánh giá dựa trên nhiều yếu tố để quyết định trao học bổng cho ứng viên. Nếu họ thấy được nỗ lực và tiềm năng của bạn, bạn vẫn sẽ là người được trao cơ hội.

Nào mình cùng đọc câu chuyện trúng tuyển Bucknell của Quỳnh Anh để giải đáp những thắc mắc trên:

TOEFL đạt 99/120 trong khi trường yêu cầu thấp nhất 100 điểm, Lê Đặng Quỳnh Anh (lớp 12 Văn trường Chuyên Hà Nội – Amsterdam) vẫn đỗ Đại học Bucknell.

Quỳnh Anh nhớ như in sáng 19/12 cùng bạn xem kết quả tuyển sinh sớm của các đại học Mỹ. Bạn mở mail trước, kết quả không như ý khiến sự lo lắng bủa vây Quỳnh Anh. Đăng nhập mail, em bất ngờ thấy thư chúc mừng trúng tuyển với mức hỗ trợ 55.000 USD một năm (hơn 1,27 tỷ đồng) của Đại học Bucknell.

“Hồ sơ của em không đẹp, thậm chí điểm TOEFL không đạt yêu cầu của trường. Em học chuyên Văn nhưng lại mong muốn vào ngành kỹ thuật. Hoạt động ngoại khóa cũng không liên quan đến ngành đó. Tất cả khiến em lo lắng rồi vỡ oà”, Quỳnh Anh nói và cho biết Bucknell xếp hạng tổng thể không cao nhưng đào tạo các ngành kỹ thuật rất tốt và phù hợp với hồ sơ còn yếu của em nên lựa chọn.

Theo US News & World Report, Đại học Bucknell xếp thứ 35 trong nhóm National Liberal Arts Colleges, xếp thứ sáu về đào tạo nhóm ngành kỹ thuật trong các trường chỉ đào tạo bậc đại học ở Mỹ.

Anh trai từng học ở Phần Lan, Quỳnh Anh sớm được gia đình định hướng du học. Theo hướng chuyên Toán đến hết lớp 9, thấy vất vả nên bố mẹ khuyên em chuyển qua môn chuyên khác. Quỳnh Anh chọn Văn và đỗ thủ khoa đầu vào trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, đỗ cả Chuyên Hà Nội – Amsterdam. Cuối cùng, nữ sinh chọn Ams vì có nhiều học sinh du học.

Lớp 10, Quỳnh Anh vừa học ở trường, vừa tham gia lớp ôn luyện cho các kỳ thi chuẩn hóa. Phần lớn bạn bè học và thi lần lượt chứng chỉ TOEFL/IELTS rồi đến SAT I và cuối cùng là SAT II thì Quỳnh Anh làm ngược lại, ôn SAT II đầu tiên để củng cố tiếng Anh học thuật trước bởi môn này em yếu nhất.

Xác định sẽ thi vào nhóm ngành kỹ thuật, nữ sinh chuyên Văn chọn ôn và thi SAT II Toán và Hóa. Sau lần đầu thi chỉ được 780 và 770/800 ở hai môn, em quyết định thi lại lần nữa và đạt mức tuyệt đối.

Đến SAT I, Quỳnh Anh phải thi lại tới ba lần nhưng cũng chỉ đạt 1420/1600 điểm, trong khi hầu hết học sinh trường Ams xác định du học Mỹ đều đạt 1500 trở lên. “Thi đến lần thứ ba đã rất nản rồi. Em quyết định dừng lại và chọn một trường ở nhóm Liberal Arts Colleges cho phù hợp với mức điểm này. Và Bucknell là lựa chọn tốt nhất”, Quỳnh Anh nói.

Với TOEFL, dành hai tháng học và hai tuần ôn luyện, Quỳnh Anh chỉ đạt 99/120 – mức điểm khiến hồ sơ của em yếu hơn bạn bè. Dù vậy, em vẫn vui vì nó thể hiện sự cố gắng và tiến bộ rõ ràng so với trình độ tiếng Anh những năm THCS.

Song song với việc học chứng chỉ, Quỳnh Anh chú trọng tham gia hoạt động ngoại khóa. Em là Chủ tịch Câu lạc bộ Văn học của trường, thành viên Câu lạc bộ làm bánh, tham gia một tổ chức vì môi trường. Những hoạt động này đều không liên quan đến ngành kỹ thuật mà em yêu thích.

Đến lớp 12, Quỳnh Anh mới tham gia một dự án khoa học là PhysicsNow cùng Hoàng Mai – người vừa giành học bổng toàn phần Đại học Chicago. Em làm trưởng ban biên tập nội dung trên website cung cấp kiến thức về Vật lý cho mọi người. Dù hoạt động ngoại khóa có phần lạc điệu so với ngành học, Quỳnh Anh vẫn tự tin cho rằng nó thể hiện rõ sở thích của em.

Là dân chuyên Văn, Quỳnh Anh chỉ mất ba tháng hoàn thành hai bài luận chính và phụ. Với bài luận lý giải vì sao chọn Bucknell, Quỳnh Anh viết thích ngành kỹ thuật và Bucknell đào tạo ngành này tốt. Chia sẻ trăn trở khi sự phát triển công nghiệp ở các nước đang phát triển như Việt Nam quá ảnh hưởng đến môi trường, em muốn học để có thể phát triển công nghiệp bền vững.

Ở bài luận chính, ban đầu Quỳnh Anh viết về gia đình và bạn bè vì họ tác động đến em rất nhiều. Nhưng rồi em tự thấy ý tưởng đó không ổn vì phần nào cho thấy sự yếu đuối trong con người nên đã chọn viết về những suy nghĩ tản mạn khi làm bánh. Ví làm bánh như thí nghiệm khoa học, em có thể tự điều chỉnh công thức theo ý muốn, phù hợp với thực tế. Nó cũng giống như trong phòng thí nghiệm, người làm cần có sự sáng tạo.

Theo Quỳnh Anh, những sáng tạo đó sẽ đưa em đến những cái đích rất riêng chứ không cái nào là thất bại. Chẳng hạn, Thomas Edison làm 10.000 phát minh trước khi cho ra đời thành công chiếc bóng đèn thì 10.000 phát minh đó không thể gọi là thất bại mà nó chỉ là những bản nháp giúp ông ấy làm tốt hơn.

“Em nghĩ bài luận trên đã giúp nhà tuyển sinh thấy suy nghĩ khoa học trong em chứ không nghĩ làm bánh đơn thuần là nghệ thuật hay giải trí”, Quỳnh Anh nói.

Lê Đặng Quỳnh Anh. Ảnh: Dương Tâm

Lê Đặng Quỳnh Anh có sở thích làm bánh. Ảnh: Dương Tâm

Nhớ lại hành trình chuẩn bị du học, Quỳnh Anh có hai điều nuối tiếc và trăn trở. Em nuối tiếc vì lớp 12 có khoảng nửa năm dừng mọi sự chuẩn bị. Khi đó, em có thêm lựa chọn là sang Phần Lan du học như anh trai. Đây là cách an toàn, đảm bảo em vừa được du học vì tiêu chí sang châu Âu nhẹ nhàng hơn Mỹ, lại được che chở mà không phải lo ngại nhiều.

Đến tháng 9/2019, Quỳnh Anh vẫn nghĩ đến việc có nên đi Phần Lan không, cuối cùng nhận ra việc lựa chọn an toàn là đi ngược với con người luôn muốn thử thách như em. Vì vậy, nữ sinh quay lại hướng du học Mỹ.

Trăn trở của Quỳnh Anh là sự phản đối của bố mẹ khi em lựa chọn theo ngành kỹ thuật. Bố làm xây dựng, từ nhỏ Quỳnh Anh đã được nghe nhiều câu chuyện, được động vào những món đồ sửa chữa và thích bộ đồ chơi lắp ráp. Lớn lên, bố làm việc tại Sơn La, lúc nào ở nhà cũng chỉ có hai mẹ con, đồ đạc hỏng em đều mày mò sửa nên rất thích ngành học này. Nhưng bố mẹ lại không ủng hộ vì cho rằng công việc liên quan ngành kỹ thuật vất vả, không phù hợp với con gái.

“Bố mẹ chỉ muốn em theo ngành tài chính nên cứ ngồi bàn về chuyện chọn ngành là lại xảy ra tranh cãi nảy lửa. Vì vậy, trong suốt quá trình chuẩn bị, em rất hạn chế nói chuyện với bố mẹ về việc chọn ngành”, Quỳnh Anh chia sẻ và cho biết may mắn có anh trai ủng hộ.

Nhiều bạn bè cũng hỏi Quỳnh Anh vì sao chọn ngành kỹ thuật, không tiếc thời gian học Văn sao? Em trả lời “không” vì Văn dạy em cách sống, cách làm người. Học Văn không liên quan gì đến kỹ thuật nhưng nó giúp em có tâm hồn để sống được tốt hơn và ngành nghề gì cũng cần tâm hồn.

Tháng 8 mới sang Mỹ, Quỳnh Anh dự định học thêm các môn AP để khi sang không phải học lại những môn đại cương. Em cũng học một khóa viết luận và tiếng Trung vì thích ngôn ngữ này. Riêng về tiếng Anh, Quỳnh Anh tiếp tục tự trau dồi. Khả năng giao tiếp và tiếng Anh học thuật của em không tốt như nhiều bạn khác nhưng đủ để không phải chật vật khi tới Mỹ.

Với câu chuyện trúng tuyển dù thiếu điểm TOEFL, hồ sơ không đẹp, Quỳnh Anh khuyên các em khối 10, 11 có ý định du học nên dám thử thách, thể hiện bản thân để nhà tuyển sinh thấy được cá tính thật nhất. “Hãy là chính mình và cố vượt qua chính mình chứ đừng cố trở thành bản sao của người khác”, Quỳnh Anh nói.

Nguồn: https://vnexpress.net/nu-sinh-trung-tuyen-dai-hoc-my-du-thieu-diem-4037383.html