Để có thể cải thiện được kỹ năng viết tiếng anh, bạn cần xác định được các loại bài rồi từ đó chọn cho mình một thể loại mà bạn cảm thấy hứng thú để viết, điều này sẽ giúp bạn không bị cảm thấy chán nản khi viết, hãy ghi chú những điểm nổi bật, viết từng đoạn nhỏ trước, nhờ những người có chuyên môn giúp mình sửa chữa và góp ý nhé.
Các loại bài viết tiếng Anh
– Viết luận (essay): Loại này thường được học sinh trường phổ thông, sinh viên đại học sử dụng. Đặc điểm của “essay” là có cấu trúc rõ ràng với phần mở đầu giới thiệu vấn đề chính, sau đó phần thân bài phân tích, đưa dẫn chứng rồi tóm lại trong kết bài.
– Bài viết học thuật (academic writing): Dạng bài viết này phổ biến với sinh viên, nghiên cứu sinh và chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định. Những người này cần có hiểu biết tương đối khi sử dụng tiếng Anh bởi bài viết học thuật khó, phức tạp. Dạng bài này thường được sử dụng trong các tạp chí học thuật, bài nghiên cứu chuyên sâu.
– Tiếng Anh thương mại (business writing): Đúng như tên gọi, loại này được dùng trong kinh doanh với đặc thù chuyên môn cao. Trong bài viết dạng này, hàng loạt từ ngữ chuyên môn được vận dụng, đồng thời các cấu trúc cũng phải lịch sự, cụ thể, không hoa mỹ.
– Thư và email: Đây là dạng bài viết phổ biến và thiết thực nhất với người học tiếng Anh. Thư và email có thể mang phong cách gần gũi, cũng có khi thể hiện sắc thái trang trọng, lịch sự, dùng được trong cả công việc và các mối quan hệ bạn bè, gia đình.
– Viết sáng tạo: Loại bài này gồm nhiều hình thức như tiểu thuyết, thơ, kịch và truyện ngắn. Đặc điểm chung của viết sáng tạo là khả năng kể, miêu tả, truyền tải cảm xúc và không nhất định phải theo một quy chuẩn nào cả.
Các bước luyện viết tiếng Anh
Bước 1: Chọn thể loại
Dựa vào các dạng viết tiếng Anh được giới thiệu ở trên, chọn một loại bạn có hứng thú và muốn bắt chước nhất. Chẳng hạn, nếu đang cần thực hiện một bài viết học thuật, hãy tham khảo các bài liên quan và chọn ra bài ưng ý, từ đó học hỏi cách viết.
Bước 2: Đọc kỹ và ghi chú
Bạn hãy chọn và đánh dấu các phần quan trọng, phác thảo ý chính. Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy mình đang sao chép bài của người khác. Đây mới là bước học hỏi, các bước phía sau sẽ giúp bạn chỉnh sửa và phát triển bài viết. Bạn có thể lặp lại hai bước này bằng cách chọn nhiều văn bản nhưng cùng thể loại, nhằm tạo ra trải nghiệm và tiếp xúc ngôn ngữ tốt hơn.
Bước 3: Viết đoạn ngắn
Tận dụng các bài tập và ứng dụng trực tuyến, bạn hãy bắt đầu viết từng đoạn ngắn dựa trên việc học hỏi phong cách từ bài có sẵn. Bạn nên vận dụng các cấu trúc đơn giản và từ ngữ phổ biến trước, sau đó mới đến thuật ngữ chuyên ngành. Một số nền tảng viết trực tuyến như blog, diễn đàn học thuật, thậm chí là một bài trên tài khoản mạng xã hội của bạn. Hãy cố gắng duy trì thói quen này mỗi ngày, viết từng chút một để quen với việc sử dụng tiếng Anh.
Bước 4: Chỉnh sửa bài viết
Đừng chỉ viết rồi cất tác phẩm của bạn ở đâu đó. Hãy giữ lại bản viết và xem lại nó sau 1-2 tuần. Khi đó, bạn sẽ phát hiện được nhiều lỗi sai và nảy ra thêm ý tưởng mới, cải thiện bài viết của mình. Bạn cũng có thể nhờ người có kỹ năng tốt hơn xem giúp, nhận các góp ý của họ để tiến bộ nhanh hơn.
Nguồn : Thanh Hằng/vnexpress