Những hướng dẫn sau đây sẽ giúp bạn sắp xếp và phân đoạn bài viết của mình trong IELTS Writing task 2 (áp dụng cho cả General Training và Academic IELTS). Tuy nhiên, tùy theo dạng câu hỏi chúng ta sẽ có các cách bố cục khác nhau.
1. Đoạn đầu tiên: Giới thiệu
Kỹ thuật quan trọng nhất: Đừng bắt đầu với quan điểm của mình.
Đừng bao giờ bắt đầu bài viết với I believe, I agree, hay In my opinion trong IELTS Writing Task 2. Hãy để quan điểm của mình ở CUỐI đoạn mở bài, sau khi bạn đã giới thiệu chủ đề và vấn đề cần bàn bạc. Hãy bắt đầu một cách khái quát rồi dần đi đến ý chính của bạn. Hãy lưu ý rằng phong cách của câu nêu quan điểm của bạn sẽ khác nhau dựa theo từng loại câu hỏi. Trước hết, đọc kỹ câu hỏi để xác định xem mình nên đưa ra quan điểm ở đoạn mở bài hay kết bài.
- Câu giới thiệu: Chủ đề nào sẽ được nói đến? Recently, there have been…
- Làm hẹp trọng tâm: Vấn đề gì trong chủ đề cần được giải quyết? However, some people argue that…
- Luận điểm cá nhân:
- Quan điểm của bạn về vấn đề này là gì? This essay will argue that…
- Bài viết này sẽ bàn về những cái gì? This essay will look at both sides of argument before stating my opinion.
- Bạn định viết về cái gì? The main problems are X and Y and I will propose solutions to both in this essay.
Gợi ý: Bạn có thể chọn viết ở ngôi thứ nhất (I believe…) hoặc ngôi thứ ba (This essay will…). Ngôi thứ ba sẽ cho cảm giác khách quan và học thuật hơn.
Gợi ý: Đừng đưa những lý do và những lập luận chính vào trong phần mở bài, hãy để phần này cho các đoạn văn thân bài.
2. Các đoạn thân bài
Kỹ thuật quan trọng nhất: Lập dàn ý
Trong IELTS Writing Task 2, bạn cần viết trong khoảng hai đến bốn đoạn thân bài, mỗi đoạn bàn luận một ý chính liên quan đến luận điểm đã nêu ở mở bài. Và cách mà bạn sắp xếp, bố cục những đoạn văn này cũng đóng một phần rất quan trọng trong sự mạch lạc của cả bài viết.
Trong một bài viết nêu quan điểm (opinion), nếu bạn đưa ra một quan điểm mạnh mẽ (I firmly believe…), thì tất cả các đoạn thân bài đều phải chứng minh cho luận điểm ấy.
Tuy nhiên, nếu bạn đưa ra một quan điểm mềm mỏng hơn (I agree to some extent…) hãy viết một đoạn văn về ý nghịch và hai đoạn về ý thuận (xem gợi ý ở dưới).
Trong một bài viết bàn luận (argument), tốt nhất bạn nên cân bằng giữa hai mặt được đưa ra tranh luận, có nghĩa là bạn nên viết hai hoặc bốn đoạn văn. Nếu bạn viết ba đoạn, bạn sẽ thể hiện thiên hướng cho một trong hai mặt của vấn đề, khi đấy thì bạn hãy chắc rằng mình đồng tình với phía quan điểm đó nhé.
Trong một bài viết vấn đề/giải pháp (problems/solutions), hãy chắc rằng mình xử lí đều mọi phần của câu hỏi. Hai vấn đề và hai giải pháp là đủ. Tốt nhất là đừng viết về những vấn đề mà bạn không tìm được giải pháp. Có nhiều cách để bố cục một bài viết dạng này Bạn có thể viết mỗi vấn đề cùng cách giải quyết cho vấn đề đó trong mỗi đoạn văn, hoặc bạn có thể viết về tất cả các vấn đề trước rồi mới đưa ra giải pháp ở đoạn khác.
Một khi bạn đã quyết định được dàn ý của mình, làm chắc chắn rằng mỗi đoạn được sắp xếp như sau:
- Liên kết với đoạn văn trước: First, Furthermore, On the other hand, etc…
- Câu chủ đề: Đưa ra ý chính khái quát cho đoạn văn.
- Những câu chứng minh cho chủ đề: Dùng ví dụ hoặc giải thích rõ để chứng minh quan điểm đưa ra ở câu chủ đề
- Câu đánh giá: Đôi khi một ý kiến có thể không hoàn hảo hoặc có những ngoại lệ. Bạn có thể chỉ ra điều này, nhưng với điều kiện là bạn không hoàn toàn phá hỏng ý chính của mình.
- Câu tóm tắt lại: Nếu bạn đã thêm một câu đánh giá, hoặc bạn đã viết nhiều ý nhỏ chứng minh, hay quay lại với quan điểm bao quát của mình bằng cách diễn giải lại câu chủ đề.
Gợi ý: Nếu một trong những đoạn thân bài của bạn đối lập với luận điểm chính của cả bài viết, hãy đặt đoạn văn này lên đầu tiên để những đoạn văn khác dẫn dắt một cách logic và tự nhiên đến kết luận cuối cùng.
3. Đoạn cuối cùng: Kết luận
Kỹ thuật quan trọng nhất: Đem đến cho người đọc một điều gì đó để suy nghĩ.
Một thói quen của những bạn thi IELTS là kết thúc bằng một tóm tắt đơn giản nhưng ý kiến và ý chính của họ. Điều này hoàn toàn ổn và hơn nữa là khiến cho bài viết mạch lạc hơn, nhưng hãy cố thêm vào một bình luận gì đấy. Nó sẽ tạo nên ấn tượng cuối ho người chấm thi và họ sẽ đánh giá cao điều đó. Một đoạn kết đầy đủ nên có:
- Dấu hiệu cho phần kết luận: In conclusion, In summary, Overall,…
- Khẳng định lại quan điểm của mình: Trong bài viết nêu quan điểm, bạn có thể diễn giải lại câu luận điểm của mình. Trong bài viết bàn luận, đây là lúc bạn đưa ra quan điểm của mình với những cấu trúc như: Having consider both sides of the argument, I believe…
- Tóm tắt: Diễn giải lại ý chính mỗi đoạn văn một cách ngắn gọn. Đừng bao giờ đưa ra ví dụ hay giải thích ở đây, những thứ này đã được bàn luận trong thân bài rồi.
- Bình luận cuối: Gợi cho người đọc một cái gì đó để suy nghĩ. Nhấn mạnh tầm quan trọng của những vấn đề bạn đã bình luận. Gợi cho người đọc cân nhắc đến những hậu quả tương lai nếu vấn đề không được giải quyết. Gợi ý những hành động mà người đọc hay xã hội nên làm…
Gợi ý: Đừng thêm vào phần mở bài những thứ mới và cần được giải thích cụ thể. Điều này cũng đúng với câu kết luận cuối. Đừng viết về những thứ mà bạn cần giải thích. Viết về những thứ hiển nhiên.
IELTS expert