Nếu học ngành STEM ở Mỹ, sinh viên quốc tế có thể ở lại đến ba năm để làm việc, còn nếu lấy bằng tiến sĩ ở Australia xong, bạn có thời gian tới 6 năm.
Những điểm đến du học hấp dẫn nhất hiện nay đều có chính sách riêng về việc làm cho sinh viên quốc tế trước và sau khi ra trường. Một số nước gần đây thậm chí đã điều chỉnh quy định để tạo điều kiện cho du học sinh hơn.
Nhìn chung, sinh viên tốt nghiệp một số ngành cần nhân lực như STEM (Khoa học – Công nghệ – Kỹ thuật, Toán học) có lợi thế hơn khi tìm cơ hội ở lại làm việc. Ngoài ra, một số nước khác ưu tiên rõ rệt với những người có bằng thạc sĩ và tiến sĩ.
Sau đây là chính sách việc làm dành cho sinh viên quốc tế ở 10 cường quốc về du học. Những nước này hiện thu hút hơn 200.000 đến hơn một triệu sinh viên quốc tế:
1. Mỹ
Du học sinh Mỹ được phép ở lại làm việc thông qua chương trình OPT – Optional Practical Training (thực tập không bắt buộc). OPT thường có hiệu lực trong vòng 12 tháng, áp dụng cả trước và sau tốt nghiệp.
Riêng sinh viên học toàn thời gian (diện F-1) thuộc 22 ngành STEM được phép gia hạn OPT thêm 24 tháng, nâng tổng thời gian được ở lại lên tối đa 36 tháng.
Sinh viên phải hoàn thành tối thiểu một năm học toàn thời gian để đủ điều kiện tham gia OPT.
Trong năm học đầu tiên tại Mỹ, sinh viên F-1 chỉ được phép làm việc trong khuôn viên trường. Bắt đầu từ năm học thứ hai, họ có thể đi làm không quá 20 giờ mỗi tuần bên ngoài thông qua chương trình OPT trước tốt nghiệp, chương trình CPT – Curricular Practical Training (thực tập bắt buộc), hoặc chương trình OPT dành cho các ngành STEM. Các công việc mà sinh viên tham gia phải liên quan đến lĩnh vực học tập của họ.
2. Anh
Sinh viên nước ngoài muốn ở lại Vương quốc Anh sau khi tốt nghiệp có thể xin thị thực loại Graduate visa. Thời gian được ở lại là hai năm đối với cử nhân, thạc sĩ và 3 năm với người tốt nghiệp tiến sĩ.
Để xin loại thị thực này, du học sinh phải hoàn thành chương trình học, tối thiểu ở bậc cử nhân. Với những khóa học dưới một năm, học viên phải tham dự đủ khóa.
Sinh viên quốc tế chưa tốt nghiệp được phép làm việc 20 giờ mỗi tuần trong thời gian học ở trường và làm toàn thời gian trong các kỳ nghỉ. Tuy nhiên, sinh viên phải học các khóa toàn thời gian mới có quyền này.
3. Canada
Canada cho phép sinh viên quốc tế ở lại làm việc thông qua một loại thị thực là PGWP – Giấy phép làm việc sau tốt nghiệp (Post-graduation Work Permit). Sinh viên phải học tối thiểu 8 tháng ở Canada mới đủ điều kiện xin giấy phép này, thời gian ở lại dao động 8-36 tháng, tùy độ dài của chương trình. Khi xin PGWP, sinh viên cần có bằng hoặc giấy xác nhận đủ điều kiện tốt nghiệp.
Sinh viên quốc tế chưa tốt nghiệp, có giấy phép làm việc ngoài khuôn viên trường theo thị thực du học Canada thì được phép làm việc không giới hạn số giờ đến cuối tháng 12 năm nay. Trước dịch Covid-19, giới hạn là 20 giờ mỗi tuần.
4. Australia
Sinh viên quốc tế tốt nghiệp tại Australia có thể ở lại làm việc bằng cách xin Temporary Graduate Work (Thị thực làm việc sau tốt nghiệp tạm thời), mã 485. Thời gian du học sinh được phép ở lại kéo dài từ hai đến 4 năm, tùy trình độ.
Từ năm nay, sinh viên tốt nghiệp các ngành đang thiếu hụt lao động như điều dưỡng hay kỹ sư phần mềm sẽ được tăng thời gian ở lại làm việc. Cụ thể, người tốt nghiệp cử nhân được ở lại 4 năm, thạc sĩ 5 năm, tiến sĩ 6 năm.
Sinh viên quốc tế chưa tốt nghiệp được phép làm thêm không quá 48 giờ trong mỗi hai tuần, ở mọi ngành nghề.
5. Pháp
Sinh viên nước ngoài không tới từ EU (Liên minh châu Âu), Algeria và các nước có hiệp định song phương về dịch chuyển nghề nghiệp với Pháp có thể ở lại làm việc nếu có thẻ cư trú “Tìm việc làm/Thành lập doanh nghiệp”.
Thẻ này có giá trị trong 12 tháng và không được gia hạn. Để được cấp thẻ, sinh viên phải có thẻ cư trú sinh viên và bằng tốt nghiệp cử nhân hoặc thạc sĩ.
Du học sinh được thành lập công ty hoặc tìm việc trong lĩnh vực chuyên ngành của mình. Mức lương tối thiểu để đủ điều kiện ở lại là hơn 2.620 Euro một tháng, gấp rưỡi mức lương trung bình ở Pháp. Sau khi tìm được việc làm, họ có thể xin giấy phép làm việc 4 năm.
Ngoài ra, sinh viên quốc tế đang học tại Pháp có thể làm việc trong hoặc ngoài khuôn viên trường18,5 giờ mỗi tuần.
6. Nhật Bản
Sinh viên nước ngoài muốn tìm việc làm sau khi hoàn thành chương trình học có thể nộp đơn xin thay đổi tư cách cư trú thành Designated Activities (Thị thực hoạt động được chỉ định) dành cho Future creators – Job-hunting activities (Người sáng tạo tương lai – Hoạt động tìm việc làm).
Để đủ điều kiện, sinh viên phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên trong 5 năm gần nhất và chứng minh tài chứng (ít nhất 200.000 yên). Nếu được cấp phép, du học sinh có thể ở lại ở Nhật Bản tối đa hai năm sau khi ra trường.
Sinh viên chưa tốt nghiệp có thể đi làm không quá 28 giờ một tuần trong thời gian học và 8 giờ một ngày trong các kỳ nghỉ.
7. Trung Quốc
Sinh viên nước ngoài tốt nghiệp cử nhân tại Trung Quốc có thể xin giấy phép lao động nếu đã có hai năm kinh nghiệm làm việc.
Tuy nhiên, nếu tốt nghiệp ở bất kỳ trường thành viên nào của Đại học Thượng Hải thì sinh viên có thể xin giấy phép này mà không cần hai năm kinh nghiệm. Điều kiện là họ làm việc tại các khu vực phát triển thương mại, công nghệ như Khu công nghệ cao Zhang Jiang (ZJHT) hay Khu vực thương mại tự do (FTZ).
Sinh viên có bằng thạc sĩ do một trường đại học Trung Quốc cấp cũng được miễn yêu cầu có hai năm kinh nghiệm này.
Sinh viên quốc tế có thể vừa học vừa làm trong và ngoài trường không quá 8 giờ mỗi tuần và không quá 40 giờ mỗi tháng. Thời gian làm việc được tăng gấp đôi trong các kỳ nghỉ hè và nghỉ đông.
8. Phần Lan
Phần Lan cho phép du học sinh ở lại làm việc trong vòng hai năm sau khi tốt nghiệp, nếu có Giấy phép cư trú dành cho người muốn tìm việc hoặc khởi nghiệp.
Sinh viên cũng phải có Giấy phép cư trú, giấy tờ chứng minh đã hoàn thành chương trình học và chứng minh tài chính (tối thiểu 560 Euro một tháng) để được ở lại tìm việc.
Trong quá trình học, sinh viên được làm việc tối đa 30 giờ mỗi tuần, ở lĩnh vực liên quan đến chuyên ngành của mình.
9. Đức
Sau khi tốt nghiệp, sinh viên nước ngoài có thể gia hạn Residence Permit (Giấy phép cư trú) của mình tại Đức thêm 18 tháng để tìm việc làm. Một khi đã tìm được việc, sinh viên cần xin Permanent Residence Permit (Giấy phép cư trú dài hạn) hoặc thẻ xanh châu Âu.
Điều kiện để được nhận giấy phép ở lại gồm bằng cấp chứng minh đã hoàn thành chương trình đào tạo, có bảo hiểm sức khỏe và chứng minh tài chính.
Sinh viên tốt nghiệp có giấy phép này có thể làm bất kỳ công việc nào trong khi tìm việc toàn thời gian liên quan đến lĩnh vực chuyên môn.
Còn trong thời gian học, sinh viên ngoài EU có thể vừa học vừa làm toàn thời gian 120 ngày hoặc làm nửa ngày trong 240 ngày mỗi năm.
10. Hàn Quốc
Theo luật hiện hành, sinh viên quốc tế tại các trường đại học ở Hàn Quốc thuộc nhóm thị thực D-2, có giá trị hai năm. Người muốn đi làm tại Hàn Quốc sau khi học có thể thay đổi trạng thái thị thực thành D-10, còn được gọi là thị thực tìm việc. Thị thực này cho phép du học sinh tìm việc hoặc thực tập ngắn hạn trong sáu tháng.
Sinh viên đại học hoặc sau đại học được phép làm việc tối đa 30 giờ mỗi tuần trong thời gian học.
Nguồn : Khánh Linh (Theo ICEF Monitor, Korea Herald