Nghe là một trong 4 kỹ năng cần thiết khi học tiếng Anh. Vậy bạn đã biết làm thế nào để cải thiện trình độ nghe hiểu chưa? Hãy cùng IE tìm hiểu về phương pháp luyện nghe chuyên sâu – Extensive Listening và cách áp dụng nhé!
Phần đông các bạn học tiếng Anh cho rằng nghe hiểu là kỹ năng khó nhất. Những vấn đề thường được đưa ra là không nghe được từ, chỉ nghe được những từ không quan trọng, hoặc chưa kịp hiểu một câu đã phải nghe tới câu tiếp theo. Những nguyên nhân phổ biến nhất cho vấn đề này đã được tổng hợp bởi chuyên gia giáo dục Willy A. Renandya và nhà ngôn ngữ học Thomas S.C. Farrell (2010), bao gồm:
Tốc độ bài nghe: Tốc độ nói trong giao tiếp thật của người bản xứ là quá nhanh so với phần lớn người học; một đoạn hội thoại cũng thường diễn ra mà không có khoảng nghỉ. Điều này khiến bạn học không theo kịp được các từ được phát âm, dẫn tới không thể nhận diện và xử lý chúng.
Tính đa dạng trong ngôn ngữ nói: Khi nói, các âm tiết có thể được lược đi hoặc thêm vào tùy vào từng người nói. Thêm vào đó, các từ được phát âm ra thường nối liền với nhau. Điều này khiến cho bạn học khó xác định điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi từ riêng lẻ. Khi không thể nhận diện đúng từ, khả năng hiểu bài cũng kém đi.
Tốc độ xử lý từ: Để hiểu được nội dung bài nghe, trước hết người nghe phải hiểu được từ. Đồng nghĩa với việc họ phải nhận diện, xác định nghĩa của từ và vai trò của từ trong câu ngay tại thời điểm từ đó được phát âm ra. Nếu dành thời gian để nhớ lại nghĩa từ, ghép nghĩa từ vào câu, rồi sau đó mới dịch nghĩa cả câu, bạn học sẽ bỏ lỡ các phần thông tin mới được đề cập ngay sau đó. Hơn thế, một khi đã bỏ lỡ một đoạn thông tin, bạn học sẽ càng dễ bị phân tâm và dẫn tới không hiểu được toàn bộ phần nội dung còn lại.
Trong 3 nguyên nhân trên, người nghe chỉ có thể tác động đến tốc độ xử lý từ của bản thân. Quá trình xử lý này cần diễn ra đồng thời với khi thông tin được phát âm ra. Tuy vậy, các phương pháp nghe hiểu thông thường tập trung vào kỹ thuật làm bài và trả lời câu hỏi, mà không hướng tới việc giải quyết vấn đề bản chất này. Do vậy, nhiều bạn học dù dành rất nhiều thời gian để luyện tập theo dạng bài, theo mẹo cũng không thể tiến bộ. Để thật sự nâng kỹ năng nghe hiểu, cần cải thiện kỹ năng xử lý từ này. Một trong những phương pháp đó là Extensive Listening (Nghe rộng)
1. Extensive listening là gì?
Nếu phương pháp Intensive Listening giúp bạn luôn tập trung cao độ để có thể hoàn thành phần thi, thì Extensive Listening (tạm dịch là “nghe rộng”) sẽ là hoạt động nghe có phần thoải mới hơn.
Được phát triển dựa trên phương pháp Extensive Reading (Đọc rộng) đã ghi nhận những hiệu quả rõ rệt, nghe rộng là phương pháp nghe trong một thời lượng lớn và liên tục trong một khoảng thời gian dài.
Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp Extensive listening bao gồm:
- Đúng với trình độ: bạn học phải hiểu được phần lớn nội dung của bài nghe mà không cần phải đoán, hỏi, nghe lại hay dừng lại để tra cứu.
- Cảm giác thư giãn, giải trí: Chủ đề của bài nghe thường phải khiến bạn học cảm thấy yêu thích, hứng thú.
- Không đòi hỏi, bắt buộc quá cao: Không có các hoạt động kiểm tra mức độ nhớ, hiểu các thông tin chi tiết trong bài.
Khác với phương pháp Intensive Listening, phương pháp này hoàn toàn không giới hạn về nguồn tài liệu, nội dung hay thời lượng mỗi bài nghe. Thế nhưng, yêu cầu bắt buộc là đòi hỏi người nghe phải thực hiện với thời lượng lớn, thường xuyên, và liên tục.
2. Lợi ích khi sử dụng phương pháp nghe chuyên sâu Extensive Listening
Nâng cao khả năng nhận diện từ và nghe hiểu
Phương pháp nghe chuyên sâu sẽ giúp người học làm quen với các biến âm, đặc tính về tốc độ, nối từ trong ngôn ngữ nói của người bản xứ. Điều này sẽ giúp xác định được điểm bắt đầu và kết thúc của mỗi từ trong tổng thể một đoạn hội thoại.
Ngoài ra, nó còn giúp bạn tiếp xúc được cách phát âm với tốc độ khác nhau. Việc tiếp xúc thường xuyên sẽ khiến bạn ghi nhớ được âm thanh, liên kết với nghĩa của từ thay vì phải dừng lại để suy nghĩ và nhớ nghĩa tiếng việt. Từ đó, bạn có thể dễ dàng nắm bắt được nội dung, thông điệp của toàn bài nghe.
Cung cấp các kiến thức nền
Khi nghe nhiều và liên tục trong một khoảng thời gian dài, bạn sẽ tiếp thu được lượng lớn kiến thức ngôn ngữ (về từ vựng và ngữ pháp) để xử lý các thông tin trong các bài nghe sau này.
Bên cạnh đó, tài liệu nghe chuyên sâu Extensive listening sẽ cung cấp những thông tin về cảm xúc, ngữ âm, thái độ khi sử dụng một từ hoặc 1 cấu trúc nhất định. Vì vậy bạn có thể học hỏi các điều này để quá trình giao tiếp của mình được trôi chảy, tự tin hơn.
Nâng cao khả năng lực học và giảm lo lắng khi học nghe
Extensive listening sẽ giúp quá trình nghe của các bạn thư giãn. Các thông tin mang tính giải trí làm cho quá trình luyện nghe của bạn trở nên nhẹ nhàng hơn. Bạn chỉ cần hiểu được những thông tin mà mình quan tâm mà không cần ép buộc bản thân phải nghe được hết.
Hình thức này sẽ giúp các bạn giảm được lo lắng hay sợ hãi. Bạn sẽ nâng cao khả năng tiếp thu. Tâm lý người học cũng trở nên thoải mái hơn, tạo động lực cho người học muốn nghe nhiều hơn. Dần dần, điều này có thể tác động tới cả những kỹ năng còn lại.
3. Cách rèn luyện Extensive Listening
Bạn có thể rèn luyện Extensive Listening vào bất kỳ thời gian rảnh theo các bước sau:
1. Chọn tài liệu nghe
Khi lựa chọn nguồn tài liệu, người đọc cần đảm bảo mình hiểu được toàn bộ nội dung bài nghe mà không cần dừng hay tua lại. Đồng thời, đó cũng là chủ đề mà người nghe yêu thích.
Dưới đây là một số nguồn gợi ý miễn phí bạn có thể tham khảo:
- ELLO (English Listening Lesson Library Online)
- Voice of America
- Storyline Online
- News in levels
- BBC Learning English
- ESL Podcast
- Các video của TED Talks
2. Lựa chọn thời lượng nghe
Thời lượng nghe càng lớn, mức độ hiệu quả càng cao. Ở trình độ B1 trở xuống, hãy cố gắng nghe ít nhất 1 tiếng/tuần. Ở trình độ cao hơn, thời lượng nghe tối thiểu là 3 tiếng/tuần.
3. Xây dựng thói quen nghe
Hãy cố gắng biến việc nghe rộng thành một thói quen hằng ngày. Đặt một khung giờ cố định trong ngày để nghe. Ví dụ như lúc đi xe bus, ăn sáng hay làm bữa tối.
Nghe mở rộng có thể kết hợp rất tốt với phương pháp nghe lặp lại. Thường xuyên nghe lại một bài nghe, hoặc nghe nhiều bài cùng một chủ đề. Bạn có thể làm gia tăng tần suất tiếp xúc với cùng một từ vựng hay cấu trúc ngữ pháp; để từ đó tăng khả năng nhuần nhuyễn những cấu trúc đó.
4. Kiểm tra mức độ hiểu sau khi nghe
Mặc dù bài kiểm tra nghe hiểu chi tiết là không bắt buộc. Nhưng bạn vẫn có thể chủ động rèn luyện thông qua các hoạt động củng cố mức độ hiểu toàn bài. Các nguồn tài liệu nghe đa phần đi kèm các bài quiz nhỏ mà người học có thể làm.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện các hoạt động chủ động và đòi hỏi vận dụng kĩ năng cao hơn. Chẳng hạn như viết một bài tóm tắt nội dung bài nghe; review nội dung bài; thảo luận về nội dung bài đều có thể được áp dụng để người đọc hiểu sau hơn về nội dung.
IELTS expert