Kinh nghiệm du học của nữ sinh Harvard: Sinh viên Việt phải cố gắng gấp 100 lần người Mỹ

0
1709

L

ã Hồ Minh Khuê, cựu học sinh trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, đang học tại ĐH Harvard, Mỹ. 9X và mẹ đã có những chia sẻ trong chương trình giao lưu Chuyện được kể từ Harvard, được tổ chức mới đây.

‘Giả vờ’ để tự tin

– Trong cuộc sống cũng như học tập, làm thế nào để Minh Khuê có thể kết hợp việc học tốt và khả năng khám phá, tự tin vượt qua bản thân?

– Em cho rằng những điều này bố mẹ sẽ không trực tiếp dạy con được. Điều quan trọng cha mẹ cần dạy là khả năng tư duy, nhìn nhận bản thân, nghiêm khắc với chính mình để có phân tích khách quan, giúp con tự khám phá bản thân.

Đồng thời, mỗi bạn trẻ phải có khát khao để luôn sống tốt hơn. Nếu chỉ còn một ngày để sống, chúng ta sẽ cố gắng sửa chữa khuyết điểm, không phải để người khác yêu mình hơn mà là để bản thân yêu mình hơn.

Trong các sự kiện tuyển sinh của trường, mọi người thường thấy sinh viên Harvard mặc comple, thoải mái nói chuyện với những giám đốc điều hành. Có được điều này không phải họ tự tin mà bởi nếu thiếu điều đó sẽ không thể làm được việc, tuột mất cơ hội.

Nu sinh tai Harvard: Sinh vien Viet phai co gang gap 100 lan nguoi My hinh anh 1
Lã Hồ Minh Khuê cùng mẹ trong buổi giao lưu cùng độc giả tại Hà Nội. Ảnh: FBNV.

Bạn tự tin sẽ khiến người đối diện nghĩ mình giỏi, thông minh. Vì vậy, nếu chưa tự tin, bạn hãy “giả vờ” đến khi nào nó thành sự thật. Đó là bí quyết mà em rút ra được sau 4 năm lăn lộn ở Harvard.

Em tự nhận mình không có những tố chất đặc biệt, chỉ nỗ lực hết mình. Em nghĩ sinh viên Việt khi học Harvard phải cố gắng gấp 100 lần người Mỹ. Nếu không, họ khó có thể trụ được.

Ở Harvard, em rất thích học một lớp dành cho nghiên cứu sinh tiến sĩ, có một giáo sư đã 70 tuổi. Đây cũng là lớp cuối cùng của ông. Giáo sư đã nói với em rằng: “Em không thể theo được kiến thức này đâu, vì mới chỉ là sinh viên năm thứ ba”.

Em đã khóc và nói mình đã đọc các tài liệu và sẽ học được, dù lúc đó em rất sợ. Em cũng không chắc chắn mình có học được hay không, nhưng một người nếu đủ khát khao và mãnh liệt, nói mình chắc chắn thì sẽ làm được.

Không nên tin vào truyện cổ tích

– Ngoài sự tự tin, một du học sinh chắc hẳn cần độc lập?

– Em nhớ có lần ứng tuyển vào vị trí thực tập, người tuyển nói rằng: “Cô gái chân yếu tay mềm thì làm được gì?”. Chính những định kiến đó khiến em luôn nỗ lực, tin vào những điều mình làm để có được sự tin tưởng từ mọi người.

Một mình sang Mỹ du học, hiếm khi em có thể dựa vào ai. Mỗi ngày, em đều chiến đấu với những áp lực, nỗi lo lắng và các vấn đề trong cuộc sống một cách tự thân.

Em “phản bác” những mô tuýp truyện cổ tích có ông bụt, bà tiên, hoàng tử đến giải cứu nữ chính. Vì trong nhiều truyện cổ tích, nữ chính ngồi khóc, bà tiên hoặc hoàng tử đẹp trai đến cứu. Điều đó dạy chúng ta cái gì? Nó khiến con gái có tâm lý phụ thuộc, thụ động. Nếu Lọ Lem không có váy đẹp thì tự đi may hoặc làm cách nào đó để có váy đi dự tiệc.

Một số bộ phim, truyện cổ tích bao giờ cũng kết thúc bằng cô gái xinh đẹp được cứu bởi hoàng tử đẹp trai. Cô gái xinh đẹp đó được cứu bởi một người  xấu xí, một chú lùn và béo thì sẽ ra sao?

Em cho rằng đọc nhiều truyện cổ tích sẽ khiến các bé gái được dạy trong trường và gia đình về sự hoàn hảo. Ngoài đời, đâu phải con gái cứ xinh là hạnh phúc như trong truyện cổ tích. Xinh còn phải giỏi, thông minh, nhân đạo, có tình yêu thương… mới tìm được hạnh phúc đích thực. Cuộc sống thật đẹp đẽ hơn, xấu xí hơn, hà khắc hơn và cũng rất khác truyện cổ tích.

Khi có bất kỳ vấn đề nào trong cuộc sống, em thường quay về hỏi chính bản thân mình, tìm giải pháp và hành động. Chúng ta không thể sống thiếu đồng loại nhưng không nên trông chờ ai đó đến giúp đỡ mình.

Sống với tâm thế trông chờ người khác đến giúp mình tức là chúng ta kỳ vọng, vậy ắt sẽ có thất vọng. Nếu không ai đến giúp, mình có thể bị buồn, trầm cảm, mất thời gian trách móc, đổ lỗi.

Giáo dục vì hạnh phúc chứ không phải để kiếm nhiều tiền

– Khi tiếp xúc hai nền giáo dục Việt Nam và Mỹ, điều em tâm đắc nhất sau 4 năm học ở Harvard là gì?

– Bản thân em cho rằng không có nền giáo dục nào là hoàn hảo, mỗi nơi đều có thế mạnh và điểm hạn chế khác nhau.

Học Đại học Harvard năm thứ tư, điều em thích nhất là nhà trường đã ủng hộ việc giáo dục vì nhu cầu học hỏi, hạnh phúc chứ không phải để kiếm công việc có nhiều tiền, địa vị cao.

Em rất biết ơn nhà trường vì điều đó. Bởi vì hiện nay, nhiều học sinh, sinh viên đang gặp áp lực học hành lớn để kiếm được công việc ổn định, lo toan cho gia đình. Điều đó làm mất đi sự đẹp đẽ của việc học hỏi kiến thức.

Nền giáo dục ở Mỹ cho em suy nghĩ tích cực, thả lỏng bản thân và có những cơ hội. Em có thể học Triết, các nền văn hóa châu Âu để cuộc sống, tâm hồn đẹp hơn chứ không phải để kiếm thêm nhiều tiền.

Bản thân em theo học ngành Tâm lý và Triết học nhưng sau này lại muốn ra làm luật sư. Nhiều người suy nghĩ, phải học các ngành kinh tế, chính trị để có công việc sớm. Em thì nghĩ mình còn sống đến năm 100 tuổi nên thích gì sẽ học cái đó trước. Cuộc sống không chỉ có việc học là cái đích cuối cùng.

– Với các bạn có mong muốn du học, em có bí quyết gì để chia sẻ?

– Một trong những sai lầm các bạn thường mắc phải là tìm những trường có danh tiếng, học để có tấm bằng xin việc cho dễ. Trong khi đó, chọn trường phải phù hợp bản thân.

Việc chọn trường cũng giống kén chọn người yêu, nếu cố ép bản thân mình hợp với người đó, ép theo những cái người ta mong muốn thì khó có thể tìm được hạnh phúc.

Học tiếng Anh cần có đam mê, đồng thời kết hợp học qua các bài hát, phim phụ đề, luôn tìm cơ hội được nói. Ngày nay, các bạn trẻ có thể sử dụng một số ứng dụng để điều chỉnh phát âm cho mình.

Học tiếng Anh không thể là con đường màu hồng, việc khổ luyện không thể một sớm một chiều mà thành công được.

Source: http://news.zing.vn/nu-sinh-tai-harvard-sinh-vien-viet-phai-co-gang-gap-100-lan-nguoi-my-post817194.html