Trong tiếng Anh, kỹ năng Viết (Writing) không giống như kỹ năng Nói (Speaking) vì đây không phải là một khả năng chúng ta có được một cách tự nhiên, ngay cả trong tiếng mẹ đẻ cũng vậy – kỹ năng này cần phải được mài dũa thường xuyên. Dưới đây là những phương pháp giúp bạn học luyện Viết tiếng Anh một cách thông thạo mà IE muốn chia sẻ tới các bạn đọc.
Tìm hiểu về thể loại bài viết
Để bắt đầu thực hành kỹ năng Viết, điều đầu tiên là bạn phải đi tìm cho mình một chủ đề để viết (hay còn gọi là Topic) và chọn cho mình một phong cách viết sao cho phù hợp với chủ đề đó. Bạn có thể tìm thấy chủ đề luyện Viết tiếng Anh ở khắp mọi nơi, từ một thực đơn cho đến thiệp mời đám cưới, một tờ báo cho đến lời mô tả về những căn hộ bất động sản.
Lưu ý: đối với những chủ đề giống nhau, chúng sẽ có chung những tính năng, bố cục, mức độ trang trọng và những từ ngữ giống nhau và ngược lại. Hiển nhiên là cách viết một bức thư khiếu nại sản phẩm thì sẽ rất khác với cách viết một bài thơ mang tính sáng tạo.
Ngày nay, cách viết mang tính trang trọng (formal) thường được sử dụng trong học thuật và kinh doanh. Tuy nhiên, bạn sẽ phải học cách sử dụng từ ngữ cùng những quy ước để phù hợp với từng ngữ cảnh cụ thể.
Các giai đoạn hình thành một bài viết
Dưới đây là những giai đoạn từ bước chuẩn bị cho đến lúc hoàn thành một bài viết dành cho những bạn muốn cải thiện kỹ năng Viết. Nhưng trong một số trường hợp, không nhất thiết phải thực hiện đầy đủ tất cả các bước này. Quan trọng là bạn phải căn cứ vào thể loại mà bạn muốn viết hoặc có bất kỳ giới hạn thời gian nào đang đặt ra cho bạn hay không.
Lên ý tưởng cho bài viết
Đây là bước đầu tiên của việc tiếp cận quá trình viết. Ngay cả khi viết một lá thư khiếu nại thông thường, bạn cũng vẫn phải lên ý tưởng để nội dung được đầy đủ ý nghĩa và giúp người đọc hiểu được những điểm quan trọng mà bạn muốn nhấn mạnh.
Tiếp theo, hãy chuẩn bị những tờ giấy trắng để viết tất cả các ý tưởng của bạn về chủ đề. Sau đó, phân loại và nhóm những ý tưởng này lại, mỗi nhóm có thể gồm 3 ý tưởng tốt nhất. Bạn có thể sử dụng tất cả những ý tưởng này vào trong bài viết hoặc chỉ sử dụng một ít. Điều này không có vấn đề gì cả, vì bước chuẩn bị này chỉ để giúp bạn vượt qua rào cản: “Tôi không thể nghĩ ra bất cứ điều gì để viết cả”.
Tập trung vào ý tưởng
Sau khi đã liệt kê những ý tưởng trên giấy, bạn hãy dành vài phút để nghĩ xem ý tưởng nào là quan trọng nhất hoặc có liên quan chặt chẽ đến chủ đề mà bạn chuẩn bị đặt bút xuống viết. Thậm chí, nếu đó là ý tưởng hay thì bạn có thể đặt ý tưởng ấy như trọng tâm của bài viết.
Khi bạn viết các bài luận tiếng Anh thì đây là bước khá quan trọng và được xem như “bản đồ tư duy” (mindmap). Trong các lớp tiếng Anh, giáo viên thường khuyến khích học viên của mình viết tất cả ý tưởng lên bảng và có thể đi kèm với những hình ảnh minh họa giúp kích thích bạn học có thêm nhiều ý tưởng hơn nữa.
Khi trình bày những ý tưởng, bạn đừng quá lo lắng về mặt ngữ pháp hay lỗi chính tả. Bạn cũng nên chuẩn bị cho mình một quyển từ điển hoặc bất kỳ công nghệ nào có thể giúp bạn giải quyết những từ vựng mà bạn chưa biết. Đừng để điều gì ngăn cản ý tưởng của bạn.
Xem các bài mẫu
Sau khi đã có những ý tưởng, bạn hãy thử tham khảo nội dung của các bài viết có chủ đề tương tự để giúp bạn nâng cao nhận thức về thể loại và hiểu thêm về những quy ước tiếng Anh được sử dụng cho từng loại bài viết cụ thể. Ngoài ra, những bài mẫu này còn giúp bạn có thêm một số từ vựng đắt giá và giúp bạn xác định được các tính năng ngôn ngữ và các quy tắc chung cho từng thể loại bài viết để bạn ứng dụng tốt cho các bài viết của riêng mình.
Ví dụ: khi bạn viết một lá thư xin việc, bạn cần xác định chức năng của từng đoạn trong bài viết như sau:
- lý do khiến bạn viết thư xin việc
- làm thế nào bạn tìm ra công việc này
- kinh nghiệm và kỹ năng hoặc khả năng của bạn có
- đoạn kết của bài viết: yêu cầu một cuộc phỏng vấn
Việc xác định cấu trúc, chức năng của từng đoạn trong bài để bài viết của bạn mạch lạc và bạn sẽ hiểu được vì sao các câu chủ đề đóng vai trò quan trọng, nhất là khi bạn viết các bài tiểu luận tiếng Anh.
Sắp xếp ý tưởng
Sau khi đã nắm vững các bước trên, bây giờ bạn sẽ tiến hành tổ chức các ý tưởng của riêng mình theo cách tương tự. Bạn cần xác định bài viết của mình sẽ gồm bao nhiêu đoạn và điểm chính trong mỗi đoạn là gì. Bạn có thể phác thảo ý tưởng ra giấy.
Thực hành kỹ năng viết
Đối với các nhà văn và tác giả nổi tiếng hay những người viết chuyên nghiệp, họ sẽ phải trải qua một cuộc vật lộn với nhiều bản phác thảo trước khi đưa ra một tác phẩm cuối cùng.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng được thực hiện, nhất là khi bạn bước vào các cuộc thi viết tiếng Anh với thời gian giới hạn. Nhưng khi bạn thực hành kỹ năng viết ở nhà hay ở một lớp học tiếng Anh thông thường thì điều này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đánh giá
Sau khi đã có bản phác thảo về bài viết và bạn đang tiến hành viết bản thứ hai. Hãy dừng lại một chút và đánh giá những điều bạn thích và không thích về nội dung, ý tưởng trong bản nháp đầu tiên của mình để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn khi đặt bút viết bài thứ hai. Ở bước này, bạn hãy tạm thời bỏ qua các lỗi ngữ pháp và chính tả vì nó chưa thực sự cần thiết.
Xem lại
Khi hoàn thành bản thảo cuối cùng, bạn nên xem lại bài viết và kiểm tra chi tiết về ngữ pháp và chính tả. Sau đó, đưa cho giáo viên hoặc một người có trình độ tiếng Anh sửa giúp bạn những vấn đề còn hạn chế để học hỏi và cải thiện từ những lỗi sai của mình.
Luyện kỹ năng viết với một số hoặc tất cả các bước vừa được nêu trên, bạn có thể sử dụng ý tưởng của riêng mình để tạo ra một tác phẩm với các quy ước tiếng Anh cho một thể loại văn bản cụ thể một cách thích hợp. Bằng cách này, bạn có thể truyền đi thông điệp của mình một cách tốt nhất và cũng hiểu được những mong mỏi của người đọc.
Chúc bạn thành công với những phương pháp giúp cải thiện kỹ năng Viết tiếng Anh nhé.
Nguồn : Britishcouncil