Về Chuyện Dạy Con Song Ngữ

0
1257

Chuyện các gia đình Việt Nam muốn con giỏi tiếng anh, đi học thêm đủ trung tâm Anh ngữ rồi theo học trường quốc tế dạy song ngữ vẫn là vấn đề cứ “hot” mãi tại nước ta. Hôm nay, khi lên Youtube tình cờ I.E. xem được video về cô bé 3 tuổi có thể nói cùng lúc tiếng Anh và tiếng Việt với phản xạ rất tự nhiên. IE thực sự muốn chia sẻ kinh nghiệm dạy con song ngữ của mình với các bạn. (Thậm chí kinh nghiệm này có thể áp dụng cả với các bạn chưa và đang muốn giỏi tiếng anh, nói tiếng anh như tiếng Việt)

Mặc dù IE không phải là chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ, nhưng với kinh nghiệm của một phụ huynh (có con nói cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài) và kinh nghiệm của một người Việt Nam (sống gần chục năm tại nước ngoài gặp và chứng kiến rất nhiều bạn nhỏ nói đa ngôn ngữ); tôi, do đó, xin đóng góp vài suy nghĩ thông qua các câu chuyện gia đình đa văn hoá như sau:

  1. Gia Đình Việt sống tại nước ngoài:

Rất nhiều gia đình người Việt hiện đang sống và làm việc tại nước ngoài có con nhỏ, và hiển nhiên là các gia đình này vẫn luôn muốn duy trì tiếng Việt cho con em mình. Vì thế, khi ở nhà các bé luôn nói tiếng Việt với bố mẹ và chỉ nói tiếng nước ngoài ở trường và ở ngoài xã hội. Từ kinh nghiệm bản thân cho thấy, bé 3 tuổi gia đình IE nói rất tốt cả hai thứ tiếng. Thậm chí là khi bé nói được 2 thứ tiếng khác nhau rồi, bé thể hiện sự nhanh nhậy với khả năng bắt chước phát âm, ngữ âm, ngữ điệu rất chính xác khi học thêm ngoại ngữ thứ 3 (mặc dù bé chưa biết đọc, biết viết).

Tất cả các gia đình Việt mà IE quen và biết đều có con nói được ít nhất là 2 thứ tiếng. Chính gia đình IE cũng đặt ra mục tiêu: con giao tiếp, đọc, viết thành thạo tiếng Việt.

2. Gia đình mẹ/bố là người Việt và người kia là người nước ngoài

Tuy nhiên với mô týp gia đình này lại chia thành 2 phương pháp giáo dục con: Duy trì nói tiếng Việt cho con và không duy trì nói tiếng Việt cho con trong gia đình.

Tôi quen khá nhiều gia đình có mẹ là người Việt và ba là người nước ngoài: như Anh, Đức, Pháp, Thuỵ Điển, Ấn Độ… trong suốt thời gian du học và sinh sống ở vài nước. Nhiều trong số đó quyết tâm nói tiếng Việt với con mặc dù điều này khá khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn và dành thời gian cho con nhiều hơn rất nhiều so với gia đình bố mẹ hoàn toàn là người Việt. Mỗi lần có dịp gặp gỡ, giao lưu, tôi rất vui mừng và thú vị khi bé vừa nói thứ tiếng này với bố nhưng khi quay ra với mẹ là lập tức nói tiếng Việt. Vậy là dù khó… nhưng nhiều gia đình đã làm được.

Nhưng cũng có gia đình đã không làm được điều đó bởi nhiều lý do khác nhau. Tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp ông bà người Việt không thể nói chuyện với cháu; cháu không hiểu mọi người đang nói gì. Khi ở nhà bé có thể nói với bố hoặc mẹ bằng ngôn ngữ thứ 1 của bé nhưng cũng có những ngoại lệ khác xảy ra. Ví dụ như trong một chuyến đi chơi bằng xe oto, mọi người toàn nói tiếng Việt trên đường. Bé đã trở lên bực tức bởi vì bé không hiểu, bé thấy nhức đầu và chỉ hiểu khi mẹ phiên dịch lại, chỗ được chỗ mất, chỗ hiểu chỗ không.

Do vậy, nếu trẻ có thể giao tiếp được bằng tiếng việt và có mội trường nói tiếng việt tại chính gia đình mình thì sẽ tốt hơn rất nhiều.

3. Các gia đình đa văn hoá có quốc tịch khác quốc tịch Việt Nam

IE có người bạn quốc tịch Thái Lan, chồng quốc tịch Thuỵ Điển, ông bà nội lần lượt là người Thuỵ Điển và Phần Lan; hiện tất cả đang sống tại Thuỵ Điển. Họ có một con gái 4 tuổi; bé nói được 4 thứ tiếng: tiếng Thái Lan, tiếng Thuỵ Điển, tiếng Anh (mẹ người Thái Lan không biết tiếng Thuỵ Điển nên giao tiếp với gia đình chồng bằng tiếng Anh), và tiếng Phần Lan. Bé nói lưu loát 4 thứ tiếng mà không gặp khó khăn gì cả. Và còn nhiều gia đình đa văn hoá nữa cũng có con em nói được nhiều thứ tiếng khác nhau từ bé.

4. Gia đình Việt sống tại Việt Nam

Nhiều gia đình ở Việt Nam chọn giải pháp dạy con song ngữ từ khi bé vừa biết nói để con có thể tiếp cận với tiếng Anh hoặc ngôn ngư khác từ nhỏ. Như vậy, các bé có thể nói tiếng  Anh (là chủ yếu) tự nhiên nhất.

Nếu bố hoặc mẹ biết/giỏi tiếng Anh thì một trong hai sẽ là người nói tiếng Anh với con, và người còn lại sẽ nói tiếng Việt. Trường hợp gia đình khá giả có thể cho con theo học trường song ngữ, trường quốc tế. Tuy nhiên, cũng có gia đình kinh tế trung bình và bố mẹ không ai nói được tiếng Anh lựa chọn giải pháp mua các khoá học dạy bé tiếng Anh để tự học, cho con xem chương trình thiếu nhi bằng tiếng Anh trên youtube như phim hoạt hình, video ca nhạc, các youtuber nhí…

IE đã thấy rất nhiều bé tự học và nói tiếng anh giỏi ở Việt Nam như Quang Bình, Minh Khang hoặc chính 2 cháu gái của IE… nói tiếng anh rất chuẩn, phản xạ tự nhiên như người Anh/ Mỹ vậy.

Cách này thực sự có hiệu quả nếu bố mẹ nghiêm túc vào cuộc với hành động cụ thể như: giám sát nội dung xem có phù hợp hay không, quy định thời gian xem máy vi tính hay tivi của bé (có thể 1h-2h/ngày tuỳ vào mỗi gia đình). Ngoài ra bố mẹ có thể cùng đọc sách, cùng chơi đùa với con. Như vậy việc học ngôn ngữ sẽ thú vị hơn rất nhiều mà lại rèn luyện thói quen đọc sách cho bé từ nhỏ.

Vậy điều mà IE thực sự muốn nói là gì?

Trí tuệ của các bé rất siêu việt và thông minh. Các bé có thể học được (bắt chước) nhiều ngôn ngữ khác nhau với điều kiện cần là: có sự tiếp xúc liên tục với môi trường ngôn ngữ. Vậy khi đến thời điểm thích hợp (tuỳ thuộc vào mỗi gia đình; có thể là từ khi bé mới được sinh ra hoặc ngay sau khi bé biết nói) bé nên được nghe, trò chuyện, và giao tiếp bằng các ngôn ngữ khác nhau.

Biết tiếng Anh hay nhiều ngôn ngữ thực sự rất quan trọng và hữu ích cho các bé khi trưởng thành. Các con có nhiều cơ hội hơn, tự tin hội nhập, giao tiếp hơn, và có thể hiểu biết hơn vì rất nhiều sách và tài liệu hay được viết bằng tiếng Anh, Pháp…

Vì vậy, hãy là những ông bố bà mẹ thông thái mang đến những quyết định phù hợp nhất cho con của mình!

Lưu ý: Bài viết mang góc nhìn, ý kiến và kinh nghiệm cá nhân

 

Nguồn https://www.youtube.com/watch?v=jQLE0gdiSLc