Vì sao hồ sơ đầu vào đại học Mỹ tăng đột biến?

0
191

Theo chuyên gia tư vấn du học, do Mỹ mở cửa sớm, các trường không còn yêu cầu SAT nên số lượng hồ sơ nộp vào tăng kỷ lục.

Tám đại học trong khối Ivy League – những trường cuối cùng ở Mỹ – vừa thông báo kết quả tuyển sinh năm 2022. Tỷ lệ chấp nhận của nhiều trường top đầu thấp kỷ lục, khiến mùa tuyển sinh 2021-2022 cạnh tranh khốc liệt.

Gắn bó với du học Mỹ gần 20 năm, bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế, đã lường trước việc số lượng hồ sơ tăng cao. Tuy nhiên, con số được công bố vẫn khiến bà bất ngờ.

Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn Du học quốc tế. Ảnh:Nhân vật cung cấp

Harvard, Columbia và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) có tỷ lệ chấp nhận chưa đến 4% – trong 100 thí sinh nộp hồ sơ, chỉ hơn ba em trúng tuyển, con số thấp kỷ lục. Yale và Brown cũng có tỷ lệ chấp nhận thấp chưa từng có với 4,47 và 5,03%, giảm từ mức hơn 6 và 8% của năm ngoái.

Theo sát tình hình tuyển sinh của các trường ở Mỹ, Nguyễn Hùng Lâm hay Lâm Python, Youtuber có kênh chia sẻ về du học Mỹ với 32.000 người theo dõi, cũng nhận thấy so với những năm trước, số lượng học sinh nộp đơn vào các trường đại học Mỹ tăng đột biến. Nhiều trường công bố con số kỷ lục trong lịch sử về số đơn nộp vào.

Thạc sĩ khoa học tại Đại học Carnegie Mellon, thành phố Pittsburgh, bang Pennsylvania, lấy ví dụ, trong lá thư từ chối của Đại học Colby (top 20 giáo dục khai phóng), dòng đầu tiên viết rằng “số lượng ứng viên nộp hồ sơ năm nay là lớn nhất và cạnh tranh nhất trong lịch sử Colby”. Đại học Amherst cũng đề cập trong thư từ chối ứng viên là “trường nhận được con số kỷ lục, gần 15.000 hồ sơ”.

Đại học Dartmouth, trong nhóm Ivy League, thông báo số lượng đơn nộp vào tăng lên 33% so với năm ngoái. Trường chỉ có khoảng 1.130 suất cho sinh viên năm nhất nhưng phải lựa chọn trong 28.336 đơn nộp, Lâm cho hay.

Đại học Columbia, Mỹ, với tỷ lệ chấp nhận 2022 chỉ 3,73%. Ảnh: Education USA

Đại học Columbia, Mỹ, với tỷ lệ chấp nhận 2022 chỉ 3,73%. Ảnh: Education USA

Các chuyên gia tư vấn du học phân tích, do ảnh hưởng của Covid-19, hầu hết các trường đều thay đổi chính sách tuyển sinh, chuyển yêu cầu điểm thi chuẩn hoá (như SAT hay ACT) từ bắt buộc sang tùy chọn. Nghĩa là thí sinh không cần có điểm SAT mới nộp được.

Trước dịch, hầu hết các đại học Mỹ đều xét điểm học từ lớp 9 đến kỳ một lớp 12, chứng chỉ IETLS/TOEFL, điểm bài thi chuẩn hóa SAT/ACT, các bài luận chính và phụ… làm yêu cầu đầu vào. Nhưng vì không thể tổ chức thi trực tiếp cho các chứng chỉ tiếng Anh và bài thi chuẩn hoá này, các trường ở Mỹ đã chấp nhận cho học sinh thi Duolingo (thay thế cho IELTS/TOEFL) trực tuyến/tại nhà và không bắt buộc SAT/ACT (test-optional).

Về mặt tích cực, việc bỏ yêu cầu về SAT được đánh giá tốt mở rộng cơ hội cho nhiều thí sinh. Nhưng đổi lại, việc này làm tăng số hồ sơ, khiến mức độ cạnh tranh gay gắt hơn.

Bên cạnh đó, thông qua nền tảng trực tuyến, các đại học tiếp cận được nhiều khu vực hơn. Đại dịch tạo ra thách thức nhưng cũng mang đến cơ hội. Không thể tổ chức các buổi thông tin trực tiếp, các trường đã tận dụng Zoom, hội thảo cùng nhiều công cụ trực tuyến khác, tiếp cận thí sinh ở diện rộng.

Anh Đặng Hữu Phước, Giám đốc công ty tư vấn du học Edu4life tại TP HCM, cho biết thêm, hai năm ở nhà vì dịch bệnh, nhiều học sinh phải hoãn kế hoạch du học. Khi dịch được kiểm soát, các em trở lại với mơ ước của mình khiến lượng hồ sơ về các trường, đặc biệt là ở các quốc gia hấp dẫn du học sinh, tăng mạnh.

Mỹ mở cửa sớm cho du học sinh cũng là một lý do thu hút ứng viên. Kỳ nộp đơn vào các trường ở Mỹ diễn ra vào tháng 11 năm ngoái – thời điểm một số điểm đến du học quen thuộc như Australia hay New Zealand chưa mở biên – khiến các em ồ ạt nộp vào Mỹ.

Theo anh Phước, số lượng đơn nộp tăng còn do một học sinh có thể nộp 10-15 trường để tăng cơ hội được chấp nhận và hỗ trợ tài chính. Tỷ lệ cấp hỗ trợ tài chính của các trường năm nay thấp hơn trước dịch do ảnh hưởng nặng nề trong doanh thu hai năm trước đó. Vì vậy, học sinh có xu hướng “rải” hồ sơ nhiều hơn, nhằm có nhiều lựa chọn hơn về khía cạnh học bổng, hỗ trợ tài chính.

Anh Đặng Hữu Phước, Giám đốc công ty tư vấn du học Edu4life tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Đặng Hữu Phước, Giám đốc công ty tư vấn du học Edu4life tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngoài các lý do gây ra chủ yếu do bối cảnh dịch, bà Phương Hoa cho rằng lượng thí sinh quốc tế tiếp tục tăng ở các đại học top đầu Mỹ bởi một số yếu tố truyền thống như: chất lượng đào tạo, danh tiếng vượt trội đã được kiểm chứng qua hàng trăm năm; cơ hội được tiếp xúc với môi trường đa sắc tộc phong phú, trải nghiệm nhiều điều mới mẻ; cơ hội thực tập, làm việc và định cư tại Mỹ – nơi tập trung nhiều công ty hàng đầu thế giới.

 

Nguồn : Bình Minh – Thanh Hằng