Hơn 3.000 đại học ở Mỹ được xếp vào 4 loại hình: National University, National Liberal Arts College, Regional University và Regional College.
Hiểu rõ đặc điểm của từng loại hình sẽ giúp ứng viên chọn được trường phù hợp, cả về ngành nghề lẫn hỗ trợ tài chính.
Dưới đây là bài viết của anh Nguyễn Ngọc Khương, chuyên viên tư vấn độc lập ở Mỹ, khái quát những điểm nổi bật của 4 mô hình đại học này:
1. National University (NU – Viện đại học)
Ví dụ: Harvard University, University of Pennsylvania, Dartmouth College, Boston University, Boston Collge, University of California – Los Angeles, University of New York, Arizona State University.
Đây là những trường lớn, có từ 10.000 đến 40.000 sinh viên, cả đại học lẫn cao học nên việc một giảng đường có 100-200 người là bình thường. Giáo sư ở NU tập trung nghiên cứu nhiều hơn giảng dạy, vì đây là yếu tố hàng đầu giúp các trường đạt được danh tiếng.
Đó cũng là lý do mà ở các đại học này, bạn có nhiều cơ hội thực tập nghiên cứu. Một điều lợi nữa là ở đây có nhiều ngành học sâu. Ví dụ ngoài ngành Biology (Sinh học), các trường còn có ngành liên quan như Microbiology (Vi sinh vật học), Biomedical Science (Khoa học Y sinh), Cellular Biology (Sinh học Tế bào).
Bất cập là sinh viên đại học ít cơ hội tương tác với giáo sư, những người thường trao trách nhiệm đứng lớp cho trợ giảng (Teaching Assistant). Do đó, khi có thắc mắc, bạn sẽ làm việc với trợ giảng trước.
Ngoài ra, đa số đại học diện này không hào phóng lắm với sinh viên quốc tế bậc cử nhân. Những trường cho nhiều tiền nhất thường trong top 20 của US News như Harvard, Princeton, Yale, Chicago, Duke, Notre Dame, Vanderbilt. Đây là những trường rất khó vào nhưng nếu được chấp nhận, sinh viên sẽ đủ tiền trang trải, trong phạm vi ngân sách của gia đình.
Sinh viên Việt Nam ở NU thường đến từ các gia đình khá giả, có thể đóng từ 40.000 đến 75.000 USD (trên 947 triệu đồng – 1,6 tỷ đồng) mỗi năm học phí và ăn ở.
2. Liberal Arts Collge (LAC – Đại học khai phóng)
Ví dụ: Amherst College, Williams Collge, Depauw University, Wabash College, Lafayette College, St. Olaf College, Carleton College, Furman University, Wellesley College.
Đây là loại trường độc đáo ở Mỹ. LAC thường nhỏ, chỉ 1.000 – 3.000 sinh viên. Vì thế, bạn sẽ ngồi trong các phòng học sĩ số 10-20, giúp tăng sự tương tác với giáo sư.
LAC cũng hào phóng nhất với sinh viên quốc tế ở Mỹ. Trong top 100 LAC, đa số có tổng chi phí (học phí và ăn ở) lên đến 60.000 USD (hơn 1,4 tỷ đồng) một năm. Tuy nhiên, sinh viên quốc tế thường được hỗ trợ ở mức cao. Những sinh viên Việt Nam mà tôi biết ở đây thường chỉ đóng ở mức 20.000-30.000 USD (470-710 triệu đồng).
Triết lý của đại học khai phóng hướng đến việc đào tạo cá nhân toàn diện. Quan điểm của họ là sinh viên tốt nghiệp phải đối mặt với nhiều vấn đề toàn cầu hóa hay việc công nghệ, máy móc thay thế nhiều việc làm truyền thống. Vì thế, hệ thống giáo dục khai phóng muốn giúp người học thích nghi nhanh với những sự thay đổi này.
Do đó, một sinh viên chuyên ngành Toán không chỉ học lớp Toán, mà còn học các lớp về chính trị quốc tế, hùng biện, lịch sử, và âm nhạc.
Ở LAC, bạn sẽ học cách học (learn to learn) và cách kết nối nhiều lĩnh vực khác nhau. Giáo sư tập trung dạy học hơn làm nghiên cứu, đứng giảng gần như toàn bộ. Sinh viên sẽ có cơ hội tạo mối quan hệ tốt với giáo sư, một yếu tố quan trọng nếu muốn học lên cao học vì bạn sẽ cần thư giới thiệu tốt từ họ.
Tuy nhiên, do môi trường nhỏ, cơ hội thực tập nghiên cứu vào mùa hè ở các đại học khai phóng không được đa dạng. Nhiều học sinh Việt Nam thường xin thực tập hè ở các đại học lớn hơn khác. Bên cạnh đó, ngành học ở đây không được chuyên sâu.
Điểm yếu cuối cùng là các đại học khai phóng gần như không có hoặc có rất ít chương trình đạo tạo thạc sĩ và tiến sĩ.
3. Regional University (REU – Viện đại học vùng)
Ví dụ: Providence College, Trinity University, Fairfield University, Emerson College, Ithaca College, Augsburg University, tất cả các trường trong hệ thống California State University.
Tương tự như các Viện đại học, nhưng Viện đại học vùng có quy mô nhỏ hơn, khoảng 3.000-4.000 sinh viên. Tỷ lệ đậu vào đây thường cao hơn hai loại hình trường ở trên. Chẳng hạn, tỷ lệ đậu ở Providence College là 47%, còn Whitworth lên đến 91%.
Du học sinh Việt ít quan tâm đến những đại học này vì không nổi tiếng hoặc không quá hào phóng. Thực tế, nhiều Viện đại học vùng có chất lượng giáo dục tốt, nhiều chương trình nghiên cứu cho sinh viên cao học.
Mỹ có nhiều trường thuộc loại này nên US News xếp họ vào 4 vùng địa lý: Đông, Tây, Nam, Bắc và xếp hạng mỗi trường theo từng vùng. Ví dụ, Providence College được xếp số 1 ở vùng phía Bắc; Whitworth University đứng thứ 4 nhưng ở vùng phía Tây.
Nhiều REU có học phí cao, chừng 70.000 USD mỗi năm. Độ hào phóng trong hỗ trợ tài chính cho sinh viên quốc tế thì tùy từng trường.
4. Regional Collge (REC – Đại học vùng)
Ví dụ: Catawba College, Keystone College, Taylor University, Elmira College, Colby-Sawyer College.
Đại học vùng nhìn chung có đặc điểm tương tự như đại học khai phóng: nhỏ, tập trung giáo dục bậc đại học, ít đào tạo cao học. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở chương trình học. REC có nhiều ngành chuyên về đào tạo nghề để khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ hướng vào một loại công việc cụ thể. Ví dụ như Accouting (Kế toán), Graphic design (Thiết kế đồ họa), Nursing (Y tá). Trong khi đó, các đại học khai phóng tập trung vào các ngành thiên về học thuật như Maths (Toán học), Biology (Sinh học), Psychology (Tâm lý học), Philosophy (Triết học), History (Lịch sử).
REC cũng được chia thành 4 vùng: Đông, Tây, Nam, Bắc. Tỷ lệ đậu thường trên 50%.
Học sinh quốc tế ít biết tới các đại học vùng do chính sách hỗ trợ tài chính của họ khá mập mờ. Tổng chi phí ở các đại học vùng khoảng 40.000- 60.000 USD (0,9-1,4 tỷ đồng) mỗi năm.
Nguồn : Nguyễn Ngọc Khương