Nhiều đại học hàng đầu Australia cởi mở hơn khi tuyển học sinh Việt Nam, được cho là do áp lực cạnh tranh thu hút sinh viên quốc tế.
Đại học Queensland (UQ) – một trong 8 đại học danh tiếng Australia (G8 – Group of Eight), hôm 21/12 gửi thông báo đến đối tác về việc bắt đầu tuyển thẳng học sinh của tất cả trường THPT ở Việt Nam. Chính sách này được áp dụng thí điểm ba năm, từ 2023 đến 2026.
“Trước đây UQ chỉ tuyển thẳng học sinh trường chuyên, trường năng khiếu và một số trường điểm ở Việt Nam. Đây là lần đầu tiên UQ mở rộng với học sinh tất cả trường THPT”, đại diện tuyển sinh của UQ tại Việt Nam nói. Theo đó, học sinh hoàn tất chương trình THPT và có điểm đầu vào theo quy định của trường được xét tuyển thẳng vào các chương trình cử nhân (trừ chương trình về Nha khoa và Tài chính, Kinh tế).
Trước đó vài ngày, Đại học Quốc gia Australia (ANU) thông báo xét tuyển thẳng học sinh của 92 trường THPT của Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên ANU có chính sách này. Những năm trước, trường chỉ nhận học sinh học chương trình phổ thông quốc tế.
Trường xét tuyển bằng cách quy đổi điểm xét tốt nghiệp THPT ở Việt Nam sang điểm ATAR (Australian Tertiary Admission Ranking – thứ hạng giữa các học sinh cùng thi một kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở Australia). Học sinh cần có IELTS 6.5 (không kỹ năng nào dưới 6.0) cho các khóa học cử nhân. Tùy theo điểm quy đổi, các em được đăng ký ngành học theo quy định của trường.
Danh sách 92 trường THPT ở Việt Nam được ANU chấp nhận
Việt Nam hiện xếp thứ tư về số sinh viên quốc tế tại Australia, với khoảng 20.000 người, theo Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ nước này. Trước đó, hai trường khác thuộc G8 là Đại học Sydney, Đại học Melbourne cũng xét tuyển thẳng học sinh từ trường THPT chuyên và một số trường không chuyên của Việt Nam.
Theo bảng xếp hạng đại học QS Rankings, bốn trường nói trên đều trong top 50 thế giới, trong đó ANU xếp hạng 30, cao nhất trong các đại học Australia. Về học phí, các trường này không có nhiều chênh lệch so với các đại học Mỹ, dao động 30.000-50.000 USD (700 triệu-1,1 tỷ đồng) một năm.
Chuyên gia tư vấn của một công ty du học tại Hà Nội cho hay, Australia và một số nước không có kỳ thi đại học nên toàn bộ học sinh đều được “tuyển thẳng”, dựa trên điểm thi tốt nghiệp cấp 3. Các trường G8 luôn có đầu vào khắt khe, học sinh cần có học lực xuất sắc và điều kiện kinh tế vì học phí cao, hiếm học bổng. Trước kia, học sinh phổ thông ở Việt Nam thường phải trải qua một số kỳ thi chuẩn hóa hoặc học dự bị đại học mới được chấp nhận vào học. Còn hiện tại, các em được xét dựa trên điểm trung bình học tập (GPA) hoặc điểm thi tốt nghiệp.
“Với chính sách tuyển sinh cởi mở như hiện nay, học sinh hưởng lợi nhiều hơn khi tiết kiệm được thời gian học dự bị cùng tiền bạc trong một năm”, chuyên gia này nói.
Ông Hà Ngọc Anh, giám đốc Công ty Tư vấn Du học Student Life Care, đánh giá việc ngày càng có nhiều trường của Australia có chính sách xét tuyển thẳng chứng tỏ họ đã tin tưởng kết quả thi cử ở Việt Nam.
Theo ông Alex Vũ, Giám đốc Tuyển sinh và Hợp tác quốc tế của Đại học Sydney, các trường đã quan sát học sinh trường chuyên ở Việt Nam một thời gian mới đi đến công nhận chất lượng. Từ năm 2020, Đại học Sydney đồng ý cho học sinh các trường trong danh sách dùng điểm trung bình (GPA) lớp 12 để nộp đơn mà không cần học thêm chương trình dự bị. Học sinh cần có GPA 8.0 – 9.3 tùy ngành và IELTS tối thiểu 6.5.
Ông Phạm Nguyễn Hồng Ân (Andy Phạm) – Quản lý cấp cao khu vực Mekong của ANU, nói trước khi chấp nhận học sinh của 92 trường phổ thông ở Việt Nam, ANU từng khảo sát kết quả học tập, sự thể hiện ở trường trong thời gian học và tỷ lệ việc làm sau tốt nghiệp của các sinh viên người Việt tại trường. Danh sách qua hai hội đồng (hội đồng nhà trường và hội đồng học thuật) kiểm duyệt và thẩm định trong 9 tháng trước khi đưa ra quyết định.
PGS Nghiêm Hồng Sơn, giảng viên của ANU, không ngạc nhiên khi các trường tuyển thẳng học sinh Việt Nam. Theo ông, mục đích của các trường là chọn lựa nhân tài. “Nhà trường được lợi khi xét tuyển thẳng vì các em này có xác xuất tiếp tục thành công với điểm cao, đạt các giải thưởng khoa học và mang thêm danh tiếng cho nhà trường”, ông Sơn nói.
Ông cho hay học sinh được xét tuyển thẳng mới đủ điều kiện để nộp vào trường. Muốn theo học tại ngành đã đăng ký, các em vẫn phải nộp tiền học phí. Chỉ các em có hồ sơ học tập tốt mới được nhận học và chỉ số ít người xuất sắc mới được cấp học bổng 25-50%.
Ngoài những lý do trên, ông Phạm Quang Tuấn, nguyên giáo sư tại khoa Công nghiệp Hóa học, Đại học New South Wales, nhận định Trung Quốc vốn là thị trường tuyển sinh chính của các đại học Australia nhưng giờ học sinh nước này có xu hướng ít đi du học hơn, nên họ phải tìm nguồn khác. Trong hai năm 2020 và 2021, số sinh viên Trung Quốc đến Australia giảm lần lượt 9,9% và 11,9%, theo Global Times.
Có nhiều năm nghiên cứu thị trường giáo dục Australia, giám đốc một công ty cung cấp các dịch vụ du học, nói dịch bệnh Covid-19 tác động lớn tới thị trường giáo dục. Ông nhận định các trường ngoài top 30 thay đổi cách đào tạo, giảm chi phí, cởi mở về cơ chế và lôi kéo giảng viên giỏi để có người học. Việc này khiến trường top cảm giác bị “đe dọa” và buộc phải thay đổi chiến lược, thay vì ngồi đợi học sinh đến như trước. Nhìn chung, các trường top đầu hoặc trong nhóm 30-50 đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các đại học tư và đại học nửa công nửa tư đang nổi. Việc cởi mở hơn về chính sách tuyển sinh cũng là cách để tránh thất thoát học sinh giỏi về trường khác.
“Về bản chất, các trường cũng là một doanh nghiệp và học sinh là khách hàng. Việc các trường cạnh tranh với nhau là điều tích cực, giúp học sinh và phụ huynh hưởng lợi nhiều hơn”, ông nói.
Nguồn : Bình Minh – Lệ Thu