Bốn yếu tố của bài luận chinh phục đại học Mỹ

0
88
From above photo of teacher's desk.

Bất kỳ câu chuyện nhỏ nào trong bài luận cũng có thể chinh phục đại học Mỹ, nếu bạn viết hấp dẫn, thể hiện phẩm chất cá nhân và sự hiểu biết về xã hội.

Chị Mai Thùy Dương, thạc sĩ Kiểm định và Đánh giá Giáo dục, Đại học Melbourne, Australia, có 16 năm kinh nghiệm tư vấn nghề nghiệp, tư vấn tuyển sinh đại học, giáo dục đào tạo quốc tế và quản lý dự án. Hiện chị là cố vấn giáo dục đại học, trường Quốc tế Riga, Latvia. Dưới đây là chia sẻ của chị về cách viết bài luận cá nhân (college essay) gây ấn tượng với ban tuyển sinh.

Mỗi mùa hè, đại diện tuyển sinh và cố vấn giáo dục từ khoảng 2.000 trường đại học và phổ thông tham dự hội thảo của Hiệp hội cố vấn tuyển sinh đại học quốc tế (International Association of College Admission Counseling – International ACAC). Gần như năm nào cũng có một hội thảo tiêu điểm về bài luận, cách các trường đánh giá bài luận và những điều họ tìm kiếm ở bài luận của học sinh.

Tôi chia sẻ một số khía cạnh mà các trường đại học quan tâm về bài luận.

duong-mai2-1693360270-6417-169-6462-5049

Thạc sĩ Mai Thùy Dương, cố vấn giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp

1. Giá trị cốt lõi cá nhân

Tổ kiến lửa. Lọ dưa muối của bà. Một con chim chết trong vườn. Những miếng dán sticker trên máy tính. Một chuyến du lịch. Một lần hiểu lầm. Bạn kể chuyện gì cũng được, không quan trọng. Nhưng trong suốt câu chuyện, người đọc phải thấy được những giá trị cốt lõi hay phẩm chất cá nhân mà bạn theo đuổi và xây dựng.

Các trường đại học Mỹ không có một danh sách giá trị để đánh giá thí sinh. Nhưng từ góc nhìn của người đọc hồ sơ, họ phân loại các phẩm chất cá nhân thành hai nhóm: vị thân và vị tha.

Những phẩm chất vì lợi ích của bản thân học sinh, giúp học sinh thành công trong học tập như chăm chỉ, cần cù, quyết tâm hay kiên trì thường được các trường mặc định nên họ thường không tìm kiếm trong bài luận.

Nhưng những phẩm chất cá nhân vì lợi ích của người khác, vì cộng đồng, vì những giá trị tinh thần, xã hội, văn hóa… sẽ để lại ấn tượng về một nhân cách đẹp, một thế giới quan sâu sắc đang bắt đầu phát triển.

2. Sự không hoàn hảo và điểm yếu

Sự chưa hoàn hảo, một chút yếu đuối, một vài điểm yếu mà bạn tự nhận thức được sẽ mang vào bài viết của bạn tính nhân văn mà không một công cụ AI nào có thể cạnh tranh được.

Những câu chuyện kiểu học cật lực mà không được A+, luyện tập cả năm mà không đạt huy chương giải thi đấu thành phố, rồi tự dằn vặt, đau khổ và dùng nỗi thất vọng làm vũ khí để tiếp tục chiến đấu trong cuộc đua đạt giải nhất và cuối cùng cũng thành công thường sáo rỗng, thiếu khiêm tốn.

Những câu chuyện thật sự cá nhân và không hoàn hảo thường cho thấy tính nhân văn mà đến giờ công cụ AI như Chat GPT vẫn không thể thắng thế.

Trong ba buổi hội thảo trực tuyến tôi tham gia, những người làm tuyển sinh ở các trường hàng đầu có thể phân biệt chính xác 100% bài viết do học sinh thực sự viết và bài viết chủ yếu do ChatGPT viết.

Họ cho biết với kinh nghiệm đọc hàng nghìn bài viết mỗi mùa tuyển sinh có thể phân biệt bằng vài câu hỏi đơn giản: “Ngôn ngữ của bài viết có tính phân tích, báo cáo hay tự sự và chiêm nghiệm?”, “Bài luận có điểm xuất phát từ một nơi sâu sắc trong phổ cảm xúc con người hay không?”, và đặc biệt “Khi đọc bài luận, tôi có hình dung về con người thật của tác giả một cách hoàn toàn tự nhiên và cảm thấy gần gũi hơn với tác giả không?”

3. Sự hiểu biết

Câu chuyện của bạn có thể cảm động và thể hiện tính cách của bạn rõ nét, nhưng nếu cả bài viết, nội dung luôn bắt đầu bằng chủ ngữ “tôi”, tiếp nối bằng những mệnh đề khẳng định thế mạnh của bản thân, bài viết chỉ là lời tuyên ngôn của một kẻ ái kỷ. Bạn cần phải mở rộng câu chuyện để thấy mình là mảnh ghép nào của bức tranh xã hội muôn màu.

Những người đọc hồ sơ ở các trường đại học hàng đầu thường có cái nhìn cởi mở và luôn mong đợi giây phút khiến họ ngạc nhiên hoặc cảm phục trong các bài luận của học sinh.

Năm 2017, Casandra Hsiao đỗ tất cả trường Ivies (nhóm đại học hàng đầu Mỹ), với một hồ sơ ấn tượng, và bài viết về hành trình học tiếng Anh của hai mẹ con cô khi từ Malaysia nhập cư sang Mỹ. Một chủ đề đơn giản, chân thành về ngôn ngữ và lối kể chuyện nhưng ẩn chứa tầng lớp những trải nghiệm và cảm xúc đủ mọi cung bậc mà bất cứ một gia đình nhập cư nào cũng có thể đồng cảm.

Câu chuyện của Casandra không chỉ có những giá trị cá nhân như sự đồng cảm sâu sắc của cô với những người cùng cảnh ngộ, tình yêu thương gia đình và cộng đồng, mà còn bộc lộ một chút yếu đuối tinh thần khi phải nghi hoặc bản thân trong quá trình hòa nhập, và đặc biệt ý thức về công bằng xã hội. Câu chuyện của Casandra là câu chuyện nước Mỹ.

4. Trình độ viết

Chủ đề câu chuyện của bạn không cần phải to tát, hay phức tạp. Khi còn làm cho Đại học New York, tôi nhận thấy hầu như các bạn không được học hay thực hành viết một thể loại phù hợp với cách viết bài luận đại học Mỹ: sáng tác truyện ngắn (flash fiction wiring). Bạn lưu ý phải sử dụng kết cấu và kỹ thuật truyện ngắn, nhưng không được hư cấu nội dung.

Những bạn gửi tôi bản thảo đầu, phần lớn rơi vào hai trường hợp: viết như bài luận của IELTS và viết như văn kể chuyện lớp 6. Với trường hợp thứ nhất, các bạn nên khởi động lại để thoát khỏi bài luận IELTS và không giống với ChatGPT.

Với trường hợp thứ hai, cần hiểu văn kể chuyện các bạn học ở lớp 6 là thể loại tường thuật (kể lại sự kiện có thật xảy ra với bạn, thường kết thúc bằng cảm nghĩ trực tiếp, phù hợp với học sinh lớp 6). Bài luận của hồ sơ đại học Mỹ là thể loại viết sáng tạo dựa trên cấu trúc của một truyện ngắn. Bạn phải biết vận dụng kết cấu truyện với các thành tố: trình bày – thắt nút – phát triển – cao trào/điểm đỉnh – kết và các kỹ thuật sử dụng phương tiện văn học như ẩn dụ, biểu tượng hay các biện pháp tu từ khác.

Bài viết đặc biệt sáng tạo của Tô Mỹ Ngọc giúp cô đỗ vào Harvard năm 2017 là một ví dụ về sự kết hợp cả 4 yếu tố trên. Cô viết về những chiếc áo ngực, liên hệ chúng với vòng luân hồi của cuộc sống và sự xuất hiện hay tàn lụi của những ngôi sao trong vũ trụ. Qua đó, cô thể hiện là một người có tư duy sáng tạo và có kỹ thuật viết xuất sắc.

Nguồn : Mai Thùy Dương